Tháng 2 năm 1967, phòng thiết kế Mikoyan ở Lukhovitsy (Moscow) đã lắp ráp được bốn chiếc máy bay MiG-21PFM hoàn toàn mới. Vào thời điểm đó, đây là những phương tiện chiến tranh bí mật đang bị tình báo nước ngoài săn lùng. Những chiếc máy bay này được dự định sẽ bảo vệ biên giới Đông Đức, vì vậy chúng phải được đưa đến sân bay ở Cottbus, nằm ở phía nam Brandenburg.
Các phi công của đội cận vệ 16 thuộc sư đoàn không quân tiêm kích được tin tưởng giao phó thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Chỉ huy bộ tứ siêu đẳng này là đại úy Fyodor Zinoviev. Về nguyên tắc, mọi thứ lẽ ra sẽ phải diễn ra trơn tru, nuột nà và không được phép có sự cố.
Ở chặng đầu tiên, các máy bay MiG đã bay an toàn đến Minsk (Belarus), được tiếp nhiên liệu đầy đủ và lại bay đến Cottbus.
Khó khăn duy nhất là đại úy Zinoviev trước đó mới chỉ từng bay đến sân bay Templin gần Brandenburg, trong khi nhiệm vụ lần này là một địa điểm mới. Thế là sự cố hy hữu đã xảy ra: người chỉ huy phi đội lại bay sai hướng và tới gần Berlin. Hơn nữa, anh ta lại còn ở trong khu vực chiếm đóng của các nước phương Tây. Sai lầm nối tiếp sai lầm, đại úy Zinoviev đã xin phép hạ cánh từ người điều phối ở dưới mặt đất.
Phòng điều khiển im lặng, không có lời hồi đáp. Để đề phòng, Zinoviev đã ngắt liên lạc và tự mình quyết định hạ cánh. Lúc đó, anh này chỉ nghĩ rằng có thể bộ đàm của người điều phối bị hỏng. Sau khi đã hạ cánh an toàn, viên phi công mới thấy dường như có gì đó không ổn lắm. Nhìn ra xung quanh, anh nhận ra rằng trên phi trường toàn là những máy bay lạ hoắc mang phù hiệu NATO.
Điều thú vị nhất là những chiếc máy bay còn lại trong phi đội đã bay an toàn và hạ cánh xuống sân bay ở Cottbus một cách độc lập. Zinoviev thấy mình đang ở trong tình thế vô cùng bất lợi. Người điều phối viên im lặng hóa ra ngay từ đầu đã không hề “ngủ quên”. Mọi con mắt của những binh sỹ, chuyên gia NATO luôn căng ra theo dõi. Họ mong đợi viên phi công Liên Xô sẽ mắc sai lầm chết người khi cho máy bay hạ cánh và chiếc máy bay bí mật thế hệ mới nhất sẽ nằm trong tay họ.
Như vậy, cái bẫy đã đóng sập hoàn toàn, hay ít nhất thì đó là những gì người Mỹ và người Tây Đức nghĩ. Họ lập tức mang những chiếc xe chữa cháy ra chặn đường băng. Cơ hội tóm sống một viên phi công và máy bay Liên Xô đang rất cao, và họ tin chắc mình có thể sẽ thành công. Tuy nhiên, các chuyên gia NATO đã đánh giá thấp các đặc tính kỹ-chiến thuật của mẫu máy bay chiến đấu mới của Liên Xô.
Zinoviev điều khiển máy bay quay đầu lại, tăng tốc và ngay lập tức cất cánh ở một khoảng cách chạy đà khá ngắn. Khó có thể hình dung ra vẻ mặt của những người NATO lúc đó như thế nào, bởi họ có lẽ đã tin chắc đến 99% là sẽ dõng dạc tuyên bố với viên phi công Liên Xô rằng “anh sẽ không đi đâu hết”. Ấy thế mà lực lượng NATO đông đảo đã bắt hụt và để anh ta vuột bay mất ngay trước mắt.
Hạ cánh nhầm chỗ: Làm thế nào một máy bay chiến đấu Liên Xô trốn thoát khỏi sân bay của NATO
Sau cú chạy thoát nhớ đời này, đại úy Zinoviev cuối cùng cũng đã đến được sân bay mong muốn một cách an toàn và ngay lập tức bị cấp trên triệu tập.
Đại úy Zinoviev không phải nhận bất cứ biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nào bởi suy cho cùng thì anh ta đã xuất sắc giải quyết tình hình một cách an toàn: bản thân người phi công không bị thương, và máy bay cũng ở trong tình trạng tốt. Hơn nữa, ba năm trước khi xảy ra vụ việc này, anh Zinoviev đã lập thành tích bắn rơi một máy bay trinh sát của Mỹ.
Nói chung, cấp trên đã quyết định chỉ giới hạn ở mức khiển trách bằng miệng. Viên chỉ huy sư đoàn nhận xét: “Việc anh ta đáp xuống ở Tegel là hành động của một kẻ ngốc, còn việc bỏ chạy thành công thì rất tốt.”