Bạn sẽ được và mất những gì nếu vẫn đang sử dụng phiên bản Windows mà Microsoft dừng hỗ trợ?

25/12/2019, 11:52
by Tan Phuc 25/12/2019, 11:52

Microsoft sẽ chỉ hỗ trợ mỗi phiên bản Windows trong một thời gian nhất định. Ví dụ như Windows 7 sẽ chỉ được Microsoft cập nhật các bản vá lỗi cho tới hết ngày 14/01/2020, sau đó, Windows 7 sẽ được coi là “đồ cổ”.

Nghe tới mốc ngày 14/01/2020 có vẻ hơi xa xôi, thế nhưng khoảng thời gian từ giờ cho tới lúc đó cũng không hề dài. Nếu tính toán một chút, người dùng sẽ chỉ còn hơn 1 năm nữa, trước khi Microsoft thực sự ngừng “quan tâm” tới đứa con cưng Windows 7 của mình.

Vậy khi Microsoft chính thức ngừng hỗ trợ một phiên bản Windows, người dùng chúng ta sẽ phải đối mặt với những điều gì?

Không còn được cập nhật bảo mật

Điều đầu tiên mà người dùng gặp phải sẽ là một vấn đề khá nguy hiểm: Bảo mật.

Khi bị ngừng hỗ trợ, Microsoft sẽ không còn tung ra các bản vá liên quan tới bảo mật cho hệ điều hành đó nữa. Ví dụ như hiện giờ, Windows Vista và Windows XP đã không còn được nhận được cập nhật, ngay cả khi có ai đó tìm ra một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên 2 hệ điều hành huyền thoại này. Và điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Windows 7 sau ngày 14/01/2020.

 

Dù người dùng có thể sử dụng thay thế các chương trình anti-virus, các công cụ bảo mật để bảo vệ máy tính khỏi bị tấn công, thế nhưng có lẽ ai cũng biết, các chương trình này không hề hoàn hảo, nó chỉ là một lớp bảo mật phụ và sớm muộn gì cũng sẽ ngừng hỗ trợ trên phiên bản Windows cũ.

Mặc dù vậy, ngoài người dùng cá nhân, Microsoft sẽ vẫn cập nhật Windows 7 cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn đã ký kết hợp đồng từ trước, nhưng sau đó sẽ tăng giá cho dịch vụ này để khuyến khích họ chuyển sang phiên bản Windows mới hơn.

Các công ty phần mềm cũng ngừng hỗ trợ phiên bản Windows cũ

Microsoft ngừng hỗ trợ một hệ điều hành cũng là dấu hiệu cho thấy, các công ty phần mềm và phần cứng khác sẽ không còn hỗ trợ cho phiên bản Windows đó nữa.

Dù vậy, quá trình này không xảy ra ngay sau mốc thời gian “khai tử” mà sẽ kéo dài vài năm. Ví dụ như Windows XP đã bị Microsoft đặt vào viện bảo tàng từ ngày 08/04/2014, thế nhưng Chrome vẫn hỗ trợ cho Windows XP tới tháng 4/2016, thậm chí Mozilla Firefox vẫn chơi với Windows XP tới tháng 06/2018, còn Steam của “Lord Gaben” thì đặc biệt hơn, sẽ hỗ trợ cho đến hết ngày 01/01/2019.

Có thể mất vài năm, nhưng nếu bạn đang dùng Windows 7, hãy phải chuẩn bị tâm thế cho điều này dần để không cảm thấy quá hụt hẫng.

Không còn tương thích với các phần cứng mới

Lý do để các nhà sản xuất ngừng hỗ trợ Windows cũ: Driver dành cho phần cứng của họ không còn tương thích với máy tính, không thể sản xuất các linh kiện, thiết bị ngoại vi cho một hệ điều hành đã bị khai tử, v.v…

 

 

Điển hình như con các mẫu chip mới nhất hiện nay (từ Kaby Lake của Intel hay Ryzen của AMD) đã không còn hỗ trợ được Windows 7 hay Windows 8.1 nữa, khi cài đặt sẽ hiện lên bảng thông báo: “Phần cứng không được hỗ trợ”, mặc dù ngay bây giờ Microsoft vẫn còn cập nhật cho cả 2 phiên bản Windows trên.

Nếu vẫn trung thành với các hệ điều hành cũ, bạn vẫn có thể sử dụng chúng chung với các phần mềm và phần cứng hiện tại, nhưng sẽ không được đảm bảo về sự tương thích của driver và được nhận các bản cập nhật đổi mới trong tương lai.

Khi nào Microsoft sẽ dừng hỗ trợ Windows cũ?

Microsoft luôn thông báo mốc ngày này rất sớm để giúp người dùng không bị bất ngờ và bỡ ngỡ, cũng như có thêm thời gian để chuẩn bị. Hiện bạn có thể truy cập vào đường link tại đây để xem chi tiết, hoặc có thể theo dõi bảng thông báo ngay dưới đây:

 

Windows 8.1 sẽ được hỗ trợ kéo dài tới 10/01/2023, còn Windows 7 là 14/01/2020

Các phiên bản Windows 10 Enterprise với 3 cột mốc thời gian, thứ tự lần lượt là “Ngày phát hành, ngày ngừng hỗ trợ chính thức, ngày ngừng hỗ trợ kéo dài”

 

Các phiên bản Windows 10 từ phiên bản 1511 tới phiên bản 1809

Bởi vậy, điều tốt nhất mà chúng ta nên làm trước các mốc thời gian này là cập nhật cho PC, laptop của mình lên phiên bản Windows của Microsoft mới nhất, vừa giúp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, vừa nhận được hỗ trợ tối đa từ các phần mềm và phần cứng hiện đại.

                                              Nguồn : Genk

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.