Hai “kỳ phùng địch thủ” ngành công nghệ Microsoft và Google đã đồng ý hòa giải chấm dứt 18 vụ kiện liên quan bản quyền phát minh công nghệ đang diễn ra tại Hoa Kỳ và Đức.
Trong một thông cáo chung giữa hai công ty trong tuần qua, Microsoft và Google đã đồng ý chấm dứt tổng cộng 18 vụ tranh chấp pháp lý, chủ yếu liên quan đến bản quyền phát minh công nghệ, tại Đức (châu Âu) và Mỹ.
Bên cạnh đó, đại diện hai “người khổng lồ” công nghệ cho biết hai bên đã chấp nhận “hợp tác đối với một số vấn đề về bằng phát minh cũng như bắt tay nhau trong một số lĩnh vực khác,” – Wall Street Journal trích nội dung bản thông cáo.
Hãng tin Reuters nhắc lại vụ tranh chấp được xem là “căng thẳng nhất” giữa hai đối thủ này vào năm 2010, khi Microsoft cáo buộc Motorola Mobility (về sau thuộc về Google rồi được Lenovo mua lại) phá vỡ cam kết bản quyền sử dụng một số bằng sáng chế công nghệ nén video và không dây (wireless) với giá phải chăng cho dòng máy Xbox của Microsoft.
Vụ việc đánh dấu một bước ngặt mà theo phân tích của giới quan sát lẫn truyền thông cho rằng có thể mở màn giai đoạn “hạ nhiệt” mới của ngành công nghệ sau nhiều năm dài tranh chấp trên mặt trận pháp đình với sự tham gia từ những công ty nhỏ lẻ cho đến các tên tuổi quốc tế lớn như Google, Microsoft, Apple hay Samsung.
Trước đó, Google đã chủ động “biến thù thành bạn” bằng động thái ký kết thỏa thuận hợp tác bản quyền công nghệ cùng Verizon Communication vào năm 2014 thay vì “lôi nhau” ra tòa. Đầu năm 2015, Microsoft và Samsung đồng ý chấm dứt một mâu thuẫn về hợp đồng xoay quanh việc Microsoft cấp quyền cho Samsung sử dụng một số bằng phát minh của mình.
Hiện Google và Microsoft vẫn là đối thủ trực tiếp ở nhiều trận chiến công nghệ như máy tính bảng (Google Nexus – Microsoft Surface Pro), hệ điều hành (Android – Windows 10), công cụ tìm kiếm (Google Search – Microsoft Bing), bản đồ số (Google Maps – Bing Maps)… Đáng chú ý, Microsoft nắm trong tay nhiều bản quyền phát minh công nghệ liên quan đến hệ điều hành Android, nên mỗi năm Microsoft vẫn thu bộn tiền từ các nhà sản xuất thiết bị dùng Android cho sản phẩm của mình.