Cuộc tháo chạy của nhân viên Twitter khỏi đế chế Elon Musk

22/11/2022, 10:49
by Tan Phuc 22/11/2022, 10:49

Theo hãng tin CNBC, một làn sóng nghỉ việc ồ ạt của nhân viên Twitter đang diễn ra sau khi ông chủ mới Elon Musk cảnh báo về một môi trường làm việc mới khắc nghiệt hơn.

Sau khi tiếp quản công ty, nhà sáng lập Tesla đã có động thái sa thải hàng loạt nhân viên, kể cả những người chỉ trích chính Elon Musk trên Twitter. Vị tỷ phú này đã tuyên bố hạn cuối vào 5h chiều ngày 17/11/2022 để tất cả nhân viên phản hồi trên một tờ đơn điện tử rằng họ có muốn tiếp tục ở lại và chấp chấp nhận làm việc dưới thời “Twitter 2.0” hay không. Những ai đồng ý ở lại sẽ nhận được nhiều lợi ích mà vị tỷ phú này hứa hẹn.

Thế nhưng ngay sau thông báo trên, hàng trăm nhân viên trong số gần 3.000 người còn lại của công ty đã tuyên bố rời đi.

Cuộc tháo chạy của nhân viên Twitter khỏi đế chế Elon Musk - Ảnh 1.

“Tôi không chấp nhận điều đó. Thời gian của tôi làm cho công ty kết thúc với Twitter 1.0 và tôi không muốn tiếp tục với Twitter 2.0”, một nhân viên giấu tên cho biết.

Theo tờ The Verger, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người rời bỏ Twitter dù đã có hàng trăm biểu tượng tạm biệt trên các nhóm chat riêng nội bộ cũng như những bức thư điện tử xin rời đi. Trước khi hạn cuối ngày 17/11 diễn ra, Twitter còn khoảng 2.900 người làm việc, chỉ bằng chưa đến một nửa so với 7.500 lao động trước khi Elon Musk tiếp quản công ty.

Một số nhân viên giấu tên nói với The Verge rằng với tốc độ nghỉ việc như hiện nay thì chẳng mấy chốc mà Twitter lâm vào khủng hoảng do thiếu nhân lực. Nhiều người cho biết họ đang chờ đợi những kỹ sư chủ chốt trong công ty quyết định ra sao rồi mới lựa chọn, số khác thì xem đồng nghiệp có ra đi hay không để quyết định.

“Tôi cảm thấy những người đã xây dựng nên Twitter đang rời bỏ dần. Có vẻ như Twitter sẽ khó lòng mà gượng dậy nổi từ đây cho dù những người ở lại có cố gắng thế nào đi chăng nữa”, một nhân viên Twitter giấu tên nói với The Verge.

Một nhân viên giấu tên khác tiết lộ với The Verge rằng nhiều nhóm kỹ sư chủ chốt của Twitter đã gần như hoặc thậm chí quyết định rời đi. Ví dụ như nhóm chịu trách nhiệm duy trì hệ thống thư viện thông tin chủ chốt mà mọi kỹ sư của Twitter đều cần dùng đã rời đi sau hạn cuối 17/11.

“Bạn sẽ chẳng thể khiến Twitter hoạt động bình thường nếu thiếu đội ngũ kỹ sư này”, nhân viên này cho biết.

Rối loạn

Trong khi đó, nguồn tin của hãng tin CNBC cho biết Elon Musk đang phải nói chuyện với những kỹ sư hàng đầu của Twitter nhằm thuyết phục họ ở lại.

Đồng quan điểm, nguồn tin của tờ New York Times (NYT) cho biết Elon Musk cùng đội ngũ cố vấn đã họp mặt với một số kỹ sư chủ chốt của Twitter để thuyết phục họ ở lại thay vì ra đi. Nhà sáng lập Tesla đã phải xuống giọng với quan điểm siết chặt quản lý làm việc của mình sau khi nhiều nhân viên Twitter phản đối phong cách điều hành của ông.

Cuộc tháo chạy của nhân viên Twitter khỏi đế chế Elon Musk - Ảnh 2.

Dẫu vậy, NYT cho biết hàng trăm người vẫn quyết định rời đi với khoản bồi thường tiền lương 3 tháng theo như lời hứa của Elon Musk, dù họ chưa hề được thấy hợp đồng bồi thường nào mà Twitter đưa ra.

Những người ở lại thì cũng phân vân vì ông chủ mới đã cam kết sẽ thưởng cổ phiếu đặc biệt cho những người ở lại có thành tích tốt, điều mà Elon Musk đã từng làm tại SpaceX. Thế nhưng Twitter đã trở thành công ty sở hữu tư nhân sau thương vụ 44 tỷ USD và mọi người không hiểu Elon Musk sẽ chia cổ phiếu thưởng thế nào.

Tờ The Verge cho biết ngay lập tức Elon Musk đã phải triển khai một cuộc họp nhỏ với các nhóm chủ chốt của Twitter để tìm hiểu tại sao nhiều người lại chọn ra đi như vậy. Sau đó một bức email không được ký tên của Elon Musk đã được gửi đi, qua đó nới thời hạn quyết định của nhân viên sang ngày 21/11/2022.

Động thái trên của Elon Musk đang khiến nhiều người khó hiểu bởi nếu thiếu các kỹ sư chủ chốt cũng như tạo nên sự hỗn loạn trong công ty thì Twitter sẽ khó lòng vận hành hiệu quả. Dù Elon Musk đã đem một số kỹ sư từ các công ty khác của mình sang, ví dụ như Tesla nhưng nhiều người trong số họ mới chỉ làm quen với sự vận hành của Twitter, một lĩnh vực hoàn toàn mới cho vị tỷ phú ngành xe điện này.

Trước đó, Elon Musk đã liên tiếp gửi thư điện tử cho các cấp quản lý, yêu cầu họ phải họp với nhân viên trực tiếp hàng tuần. Bất cứ ai đồng ý cho nhân viên làm việc từ xa mà không có lý do chính đáng sẽ bị sa thải.

“Mọi người chẳng muốn hy sinh sức khỏe và hạnh phúc gia đình để làm giàu thêm cho bị tỷ phú này”, một nhân viên quyết Twitter quyết định nghỉ việc nói với hãng tin CNN.

Khó khăn

Ở chiều hướng ngược lại, hãng tin CNN cho biết nhiều nhân viên Twitter quyết định ở lại vì thị trường lao động ngành công nghệ đang khá khó khăn.

Hàng loạt tập đoàn lớn từ Meta (Facebook) cho đến Amazon đều đang phải sa thải hàng loạt và tạm ngưng tuyển dụng do lo ngại khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, nhiều kỹ sư nước ngoài thì không muốn bỏ việc do lo ngại mất visa làm việc để có thể ở lại Mỹ.

Cuộc tháo chạy của nhân viên Twitter khỏi đế chế Elon Musk - Ảnh 3.

Một số nhân viên giấu tên nói với hãng tin CNN rằng họ quyết định ở lại bởi thị trường việc làm nói chung đang không ổn định và những thay đổi của Elon Musk chưa chắc đã là quyết định sai.

Bà Esther Crawford, một trong những người tham gia xây dựng Twitter từ những ngày đầu đã gửi bức thư cảm ơn các đồng nghiệp rời đi, không quên kèm theo một câu nói đầy mỉa mai: “Gửi tới tất cả đồng nghiệp Twitter quyết định bỏ việc, xin cảm ơn đóng góp của các bạn trong thời gian qua. Tôi rất mong được chứng kiến các bạn sẽ làm gì tiếp theo”.

Trong một khía cạnh khác, Elon Musk đã từng nói trong email rằng Twitter 2.0 của ông sẽ chủ yếu dựa vào các kỹ sư công nghệ, khiến những nhân viên ngoài ngành tại Twitter trở nên hoang mang liệu họ có bị đuổi việc sau này không hay tương lai sự nghiệp sẽ như thế nào.

“Chẳng có sự đảm bảo chắc chắn nào cả. Bạn không biết có thứ gì đằng sau cánh cửa đó trong khi cánh cửa duy nhất đề biển báo là cửa thoát hiểm”, một nhân viên Twitter nói với hãng tin CNN.

*Nguồn: CNBC, The Verge, NYT, CNN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.