Sàn giao dịch FTX cùng các công ty liên kết được thành lập bởi Sam Bankman-Fried đã liệt kê danh sách 50 chủ nợ lớn nhất trong hôm 20/11, tất cả đều là khách hàng của nhóm này, theo Financial Times.
Theo đó, tổng nợ phải trả của các công ty này ước tính trên 10 tỉ USD với hơn 1 triệu chủ nợ. Việc công bố danh sách này trước đó đã bị trì hoãn do các bên thực thi phá sản gặp khó khăn trong việc thu thập những ghi chép đáng tin cậy ở FTX.
John Ray III, tân Giám đốc điều hành của FTX, đã thốt lên rằng cá nhân ông chưa từng thấy “sự thất bại tệ hại đến vậy trong việc quản lý doanh nghiệp và sự thiếu vắng thông tin tài chính đáng tin cậy”.
FTX cho hay họ có thể cần phải cập nhật danh sách chủ nợ trong lúc “các cuộc điều tra tiếp tục đào sâu vào những con số, bao gồm các khoản thanh toán đã được thực hiện nhưng chưa được công ty ghi chép lại trong sổ sách.”
Tài liệu của tòa án cho thấy FTX hiện đang nợ 10 khách hàng trên 100 triệu USD. Trong đó, khoản nợ lớn nhất lên tới 226 triệu USD. Cùng với đó, sàn giao dịch này còn có 50 chủ nợ khác, với số dư của các khoản nợ đều trên 20 triệu USD. Tổng cộng, FTX phải gánh ‘núi nợ’ lên tới 3,1 tỉ USD đối với 50 chủ nợ lớn nhất.
FTX cho hay việc công khai danh tính của những chủ nợ lớn này sẽ gây ra tổn thất nặng nề.
Nhiều khách hàng của FTX là những tổ chức tài chính lớn có tham gia vào hoạt động giao dịch tiền mã hóa, như các quỹ bảo hộ.
Không giống các sàn giao dịch truyền thống, sàn giao dịch tiền mã hóa thường có quyền giám hộ tài khoản của khách hàng. Những khách hàng không thể rút tiền của họ trong tài khoản trước khi FTX “đóng băng” chức năng rút giờ có nguy cơ phải chờ đợi rất lâu mới có thể lấy lại tài sản của họ.
Trong những vụ công ty tiền mã hóa phá sản gần đây, như Voyager Digital và Celsius Networks, có một câu hỏi pháp lý quan trọng được đặt ra là, các chủ tài khoản có phải là các chủ nợ không được bảo đảm hay là nhóm được ưu tiên lấy lại tài sản trước? Một câu hỏi khác có thể xuất hiện là, liệu các chủ tài khoản đã rút được tiền ngay trước khi FTX phá sản có bị thu hồi lại số tài sản đó hay không.
Mãi cho đến đầu tháng này, FTX vẫn được coi là một trong số những sàn giao dịch tài sản số đáng tin cậy nhất thế giới. Bởi vậy mà sự sụp đổ của nó đã làm dấy lên nhiều quan ngại rằng các công ty khác cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng, và từ đó kéo theo một cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tiền mã hóa.
Giá cổ phiếu của Silvergate, một ngân hàng Mỹ có tham gia vào lĩnh vực tiền mã hóa, đã giảm khoảng 30% trong tuần trước. Ngân hàng này cho hay họ có đủ “thanh khoản và tỷ lệ vốn để chuẩn bị cho trường hợp rủi ro.”
Quỹ bảo hộ Galois Capital hồi đầu tháng này nói với khách hàng rằng họ có “gần một nửa số vốn đang bị mắc kẹt ở FTX”. Dựa trên số tài sản mà Galois quản lý tính đến tháng 6, con số này có thể lên tới 100 triệu USD.
Trong một tài liệu khác của tòa án, FTX cho hay công ty này có 330 nhân viên làm việc trên khắp thế giới, hiện đang trong tình trạng “cực kỳ kiệt quệ”.
Công ty đề nghị tòa cho phép họ tiếp tục trả lương cho các nhân viên mà họ cho là đóng vai trò quan trọng trong vụ phá sản này. Theo tài liệu mà FTX gửi tới tòa án, Giám đốc điều hành mới của họ, John Ray III, yêu cầu mức lương 1.300 USD/giờ. FTX cũng phải trả lương cho 3 nhân sự cấp cao mới để hỗ trợ vụ phá sản.